Trước hiện tượng nhiều trường hợp bị kỷ luật vì có những bài giảng pháp gây hoang mang, chuyên gia văn hóa, tôn giáo cho rằng cần xem xét kỹ tính chất sự việc để có hình thức xử phạt phù hợp đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
Loạn thuyết pháp
Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị kỷ luật vì những bài giảng pháp gây hoang mang trong xã hội.
Trước đó trong những bài thuyết giảng, ông cho rằng “võng là nơi tiêu diệt công đức của chúng sinh”.
Theo ông lý giải lúc nằm võng, nhất là nằm gần đường, tất cả mọi người đi qua trên đường trong ngày đó bị mình đạp bàn chân vô mặt hết, “nên bao nhiêu phước mình đổ xuống sông sạch hết”.
Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền tôn Phật Quang , tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị kỷ luật vì những bài giảng pháp gây hoang mang trong xã hội.
Thượng tọa Thích Chân Quang có nhiều lý giải dẫn dụ về nhân quả gây xôn xao dư luận về hát karaoke, tuổi trẻ đi du lịch, hoặc trồng cà phê…
“Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm”, “Mấy người trồng cà phê là bị mang nghiệp rất nặng, bởi vì khi những người khác uống cà phê sẽ dẫn tới mất ngủ, mà mất ngủ sẽ không đi làm được, không có tiền lo cho gia đình, cho nên những ai đang trồng và bán cà phê sẽ mang nghiệp rất nặng”… là một số luận giải về nhân quả gây xôn xao của Thượng tọa Thích Chân Quang.
Bên cạnh đó, ông còn cổ xúy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ Phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa…
Đại đức Thích Nhuận Đức bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nghiêm cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức.
Cũng trong tháng 6/2024, Đại đức Thích Nhuận Đức bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nghiêm cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức, do các phát ngôn và thuyết giảng không phù hợp của ông.
Việc lạm dụng mạng xã hội , tuyên truyền những bài thuyết pháp chưa chuẩn mực khiến giáo lý của nhà Phật bị bóp méo.
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn – Phó ban, Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư – khẳng định giảng sư phải giảng đúng với kinh điển, không suy diễn mang tính cá nhân, áp đặt cho chư Tổ, chư Phật nói.
Giảng sư phải giảng, phát ngôn đúng với chủ trương của GHPGVN về công tác hoằng pháp, không xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, không nên va chạm, phê phán tôn giáo bạn làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết, gây mâu thuẫn trên không gian mạng .
Thượng tọa Thích Minh Nhẫn khẳng định giảng sư phải giảng đúng với kinh điển, không suy diễn mang tính cá nhân.
“Giảng sư phải nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội cũng như trong đời sống thực hàng ngày, luôn ứng xử có văn hóa, trách nhiệm, phải tuân thủ các quy định pháp luật”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho hay.Xem xét tăng nặng hình thức xử phạt
GS.TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – khẳng định việc kỷ luật đối với những người tu hành có phát ngôn không chuẩn mực là phù hợp, kịp thời.
“Việc này kịp thời chấn chỉnh những phát ngôn trên mạng xã hội của một số người tu hành. Chúng ta đều thấy những phát ngôn, luận giải đó đều đi ngược lại giáo lý của Phật giáo”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Lôi kéo cúng dường, khích lệ Phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa… là những sai lệch trong thuyết pháp.
Bà Loan nhấn mạnh những sai lệch trong phát ngôn này dẫn tới nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội. Theo đó, lợi dụng những thuyết pháp sai lệch, một số người tu hành lôi kéo, dụ dỗ người dân cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ Phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa…
“Những hành vi này cũng có thể khiến các tín đồ trở nên mê muội, bị ảnh hưởng”, GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho rằng những bài thuyết pháp sai lệch gây nên sự nhiễu loạn về quan niệm, triết lý, phương pháp tu hành của các Phật tử
Những bài thuyết pháp cần được xây dựng, thực hiện đúng với giáo lý Phật giáo.
“Hiện tượng này dẫn đến cái sự nhiễu loạn về quan niệm, triết lý, phương pháp tu hành của các Phật tử, khiến họ bị dao động, phân tâm. Sự sai lệch này ảnh hưởng lớn đến giới trẻ – những người chưa có sự hiểu biết sâu sắc về Phật giáo, tu tập trong đạo Phật. Họ có thể cổ xúy cho những quan niệm sai lầm, hành vi sai lầm, thậm chí có hành động gây mất đoàn kết trong nội bộ những người tu hành”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu.
Ông nhấn mạnh các nhà quản lý về văn hóa, thông tin cần mạnh tay chấn chỉnh những hành vi này. Với các dự án, các buổi thuyết giảng tốt cần được tuyên truyền rộng rãi hơn. Những bài giảng mang tính sai lệch, méo mó cần được gỡ bỏ càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, người tu hành bên cạnh bị kỷ luật theo hình thức quy định của GHPGVN có thể còn chịu mức tăng nặng nếu có vi phạm liên quan đến các bộ luật khác.
“Một số nhà sư, thượng tọa đã bị GHPGVN xử lý tuy nhiên cần xem xét kỹ hơn để xác định có vi phạm đạo luật khác hay không. Nếu họ vi phạm, phải áp dụng hình thức xử lý thấu đáo, đúng tính chất sự việc. Khi đó việc xử phạt sẽ mang tính răn đe, giáo dục, giữ gìn sự trật tự trên không gian mạng”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất.
Theo thông tư 206/2020/TT-HĐTS, tăng ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi: phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với giáo pháp…
Để lại một phản hồi