Vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai: Chiêu trò lừa đảo tinh vi của Lê Thanh Nhất Nguyên

Nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai nhận nhiều tiền, hiện vật từ các nhà hảo tâm nhưng sử dụng vào mục đích khác so với kêu gọi từ thiện ban đầu.

Đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại nơi tự xưng “Tịnh thất Bồng lai”, nay đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Đến ngày 09/7, công an đã khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 3, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Đây là kết quả điều tra tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại, về những người sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có hành vi giả chùa, giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Lê Thanh Nhất Nguyên bị tuyên 4 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.


Bị can Lê Thanh Nhất Nguyên nghe tống đạt Quyết định khởi tố – Ảnh: Công an Long An

Lập lờ cơ sở tôn giáo, lập hàng loạt kênh kêu gọi từ thiện

Được biết, vào năm 1990, ông Lê Tùng Vân (SN 1932) từ quê ở Châu Đốc, An Giang đã lên cư trú tại ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM rồi thành lập Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức.

Nơi đây có hàng chục người được giới thiệu là người già cơ nhỡ, trẻ mồ côi được ông Vân nuôi dưỡng và bắt đầu kêu gọi, hướng dẫn những nhà hảo tâm, từ thiện đến thăm. Ông Vân luôn mặc bộ quần áo màu lam, bắt những người trong “trại” gọi ông là “cha”, hoặc “ông nội”. Thông tin trên báo CAND cho hay, đến năm 2007, cơ quan chức năng địa phương kiểm tra và đình chỉ hoạt động của cơ sở này do có nhiều sai phạm như hoạt động trái phép, con dấu là dấu tự khắc.

Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân đến ở nhà của bà Cao Thị Cúc (191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, Long An) và đặt tên cơ sở này là “Tịnh thất Bồng Lai”. Nơi này cũng có những đặc điểm giống với cơ sở cô nhi Thánh Đức trước kia như tất cả các thành viên đều mặc đồ lam, gọi là “thầy”, cạo tóc… nhưng tinh vi hơn rất nhiều do có sự hỗ trợ của mạng xã hội.

Theo thông tin từ Vietnamnet, kịch bản đầu tiên là lần lượt nhiều cá nhân tại Tịnh thất Bồng Lai xuất hiện trên mạng xã hội, sóng truyền hình với trang phục tu hành, tự nhận là trẻ mồ côi được “Thầy ông nội” nuôi dưỡng.


Kênh Youtube 5 chú tiểu của Tịnh thất Bồng Lai có tài khoản kêu gọi từ thiện là của Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên

Vụ việc 5 đứa trẻ đoạt giải cao khi tham gia chương trình “Thách thức danh hài” đã khiến nhiều người thương cảm. Từ đó, tiền và hiện vật từ thiện của những nhà hảo tâm trong và ngoài nước đổ về Tịnh thất Bồng Lai ngày một nhiều.

Bên cạnh đó, những cá nhân ở Tịnh thất Bồng Lai thành lập, quản lý hàng loạt các kênh Youtube cá nhân và tập thể như Lê Thanh Huyền Trân Official, Nhất Nguyên – Thiền am bên bờ vũ trụ, Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên, 5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ… với mục đích kêu gọi từ thiện.

Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã quyên góp tiền, quà cho nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai nhưng nhóm này cũng sử dụng vào mục đích khác so với mục đích kêu gọi từ thiện ban đầu.

Lê Thanh Nhất Nguyên được cơ quan điều tra xác định là một trong những người tiếp nhận các khoản tiền từ thiện qua tài khoản cá nhân hoặc trực tiếp. Ngoài Nhất Nguyên còn có nhiều người khác tham gia lừa đảo.

Hiện Công an tỉnh Long An tiếp tục đề nghị những người bị các cá nhân sống tại Tịnh thất Bồng Lai lừa đảo sớm liên hệ trình báo, cung cấp thông tin để phục vụ công tác mở rộng điều tra.

Loạn luân sinh con nhưng tuyên bố… nuôi trẻ mồ côi
Qua điều tra cho thấy, tất cả những người sống ở cơ sở nhà bà Cao Thị Cúc đều không lao động gì để có thu nhập. Một số ở nhà thực hiện quay các nội dung liên quan để đăng lên mạng xã hội nhằm kêu gọi từ thiện.

Để có thể đánh vào sự thương cảm của các nhà hảo tâm, ông Lê Tùng Vân và những người trong Tịnh thất Bồng Lai thông tin rằng những đứa trẻ đang sống ở đây có hoàn cảnh rất đáng thương khi đều là trẻ mồ côi bị bỏ rơi.


Bị can Lê Tùng Vân bị khởi tố để điều tra hành vi loạn luân nhưng được cho tại ngoại – Ảnh: Người lao động

Tuy nhiên, sau khi điều tra, công an xác định 6 trong 8 trẻ em sinh sống và được khai sinh tại đây có mẹ ruột sống cùng, không rõ người cha. Có 2 người trong số phụ nữ là mẹ của 6 trẻ em này có kết quả xét nghiệm ADN (của Bộ Công an) khẳng định là con gái ruột của ông Lê Tùng Vân. Như vậy, ông Lê Tùng Vân đã loạn luân với 2 con gái ruột và sinh ra 6 đứa trẻ.

Ngày 19/4/2024, Lê Tùng Vân bị Công an tỉnh Long An ra Quyết định khởi tố để điều tra làm rõ về hành vi “Loạn luân”.

Thông tin trên Thanh Niên Online cho biết, bà Cao Thị Cúc có hoàn thành thủ tục nhận nuôi con nuôi là bé B. Tuy nhiên, sau đó người thân của cháu ở Vũng Tàu phát hiện có dấu hiệu bất thường nên hai bên xảy ra tranh chấp quyền nuôi cháu. Cháu bé còn lại tên H.X.R thì người thân ở Thừa Thiên – Huế đã đến đón về quê nhà nuôi dưỡng từ nhiều năm trước.

Nhiều đơn thư tố giác hàng loạt hành vi phức tạp
Vào năm 2020 và 2021, cơ quan chức năng ở huyện Đức Hòa và Công an tỉnh Long An nhận được nhiều đơn thư tố cáo một số người sống tại Tịnh thất Bồng Lai về 3 hành vi: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; loạn luân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người tố cáo cho rằng thủ đoạn của các đối tượng sinh sống tại hộ Cao Thị Cúc là giả chùa, giả sư, giả nơi nuôi trẻ mồ côi để đăng thông tin kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong số đó có anh Lê Thanh Minh Tùng từng gây sốc khi khẳng định, mình là con trai ruột của ông Lê Tùng Vân, đồng thời anh tỏ ra khá bức xúc và “tố” bố đẻ loạn luân, lừa đảo, giả nuôi trẻ mồ côi để nhận từ thiện,…


Cơ quan điều tra làm việc với những người sống ở tịnh thất – Ảnh: VOV

Tuy nhiên, do nhận nhiều đơn thư tố giác ở nhiều hành vi hình sự và các hành vi đó diễn ra trong các lĩnh vực khác nhau, có tính chất rất phức tạp, liên quan đến tôn giáo, chức sắc trong Phật giáo, khoa học về di truyền… nên Công an tỉnh Long An đã rất thận trọng và tách ra thành các nội dung khác nhau để điều tra.

Đến tháng 7/2022, Công an tỉnh Long An đã tạm đình chỉ xử lý nội dung tin báo tố giác về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do vụ án có tính chất phức tạp, nhiều đơn tố giác, thời hạn giải quyết đã hết. Nhưng đến tháng 10/2022, sau khi điều tra, Cơ quan An ninh điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(Tổng hợp)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*