Một điểm sạt lở trên quốc lộ được các lực lượng khắc phục để các phương tiện lưu thông
Tính đến 14 giờ chiều 1/8, tại huyện Mường Tè ( Lai Châu) đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H và đường Tỉnh 127, gây chia cắt giao thông cục bộ.
Sau nhiều ngày mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã, liên bản tại Lai Châu bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông cục bộ nhiều xã biên giới trong nhiều giờ.
Huyện Mường Tè là địa phương ghi nhận lượng mưa lớn nhất và thiệt hại nhiều nhất tỉnh Lai Châu.
Tính đến 14 giờ chiều 1/8, tại Mường Tè đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H và đường Tỉnh 127.
Điểm sạt lở tại km 242+550 trên quốc lộ 4H kết nối huyện Sìn Hồ (Lai Châu) với huyện Mường Nhé (Điện Biên). (Ảnh: TTXVN phát)
Trong sáng 1/8, trên tuyến Quốc lộ 4H có nhiều điểm sạt lở lớn tại các vị trí km 198+450, 222+410, 81+650, 303+550… với khối lượng đất đá gần 10.000m3.
Đặc biệt, đường đi trung tâm các xã biên giới như Tá Pạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, với khối lượng hàng nghìn mét khối, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Tại xã Bum Nưa, nước lũ trên suối Nậm Bum dâng cao đã cuốn trôi và làm ngập úng hơn 4ha ao cá, lúa và hoa màu của người dân.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè, cho biết mưa lớn từ ngày 29/7 đến nay đã làm hầu hết các tuyến đường liên xã, liên bản tại địa phương bị sạt lở, ước thiệt hại gần 4 tỷ đồng.
Địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ tập trung khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Đối với các tuyến đường liên xã, liên bản, huyện đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ huy động phương tiện, nhân lực phối hợp với người dân khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phương án tích trữ lương thực, thực phẩm để đảm bảo đời sống người dân.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Lai Châu cho biết mưa lớn trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài đến hết ngày 2/8 với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100mm, cục bộ có nơi hơn 200mm, nguy cơ sạt lở taluy dương và ngập úng tại vùng trũng là cao.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường cần chú ý quan sát các hiện tượng sạt lở, đá rơi. Đặc biệt, người dân sinh sống tại vùng trũng, thấp, ven sông suối cần chủ động các phương án phòng, chống ngập úng, lũ quét, không đánh bắt cá, vớt củi khi trên địa bàn có mưa to để đảm bảo an toàn.
Để lại một phản hồi