Thượng tá Trần Văn Dân nghẹn ngào: “Chúng tôi xin lỗi vì chưa tìm được hết thân nhân của bà con”

Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nghẹn ngào nói lời xin lỗi khi 4 người mất tích chưa được tìm thấy trong buổi chia tay bà con.

Mưa lũ làm 18 người chết và mất tích tại thôn Nậm Tông

Hôm qua (25/9), tại Nhà văn hóa thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã diễn ra buổi chia tay lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn người mất tích do sạt lở đất bởi hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra tại xã Nậm Lúc.


Các lực lượng cứu hộ tại thôn Nậm Tông (Ảnh: Công an tỉnh Lào Cai).

Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra sạt lở đất gây chết người tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc, các lực lượng chức năng của huyện Bắc Hà, xã Nậm Lúc và người dân địa phương hiệp đồng thực hiện ngay công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, do vị trí xảy ra sạt lở đất bị cô lập, chia cắt và lượng bùn đất, đá, bê tông vùi lấp quá lớn khiến công tác tìm kiếm người mất tích gặp nhiều khó khăn.

Đã có gần 300 người nỗ lực chạy đua với thời gian tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích, trong đó có 75 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 4 thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Bắc, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lào Cai và Công an huyện Bắc Hà; cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các huấn luyện viên chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Biên phòng được tăng cường, cơ động đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại xã Nậm Lúc.

15 ngày tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích cùng sự nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, người dân địa phương, đến nay đã tìm thấy thi thể và xác định được 5 người thiệt mạng tại khu nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc, 14 người thiệt mạng tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông.


Đường giao thông vào xã, thôn bị cô lập nên công tác tìm kiếm người mất tích hoàn toàn thủ công, lực lượng cứu hộ phải căng mình đào, bới từng tấc đất để tìm người bị nạn trong thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt (Ảnh: Báo Lào Cai).

Trong những ngày qua, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc, các lực lượng đã nỗ lực, làm hết sức mong sớm tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích để bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng và sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn 4 thi thể chưa được tìm thấy khiến nhiều người rời đi cảm thấy ngậm ngùi.

Sau khi rút bớt lực lượng, tại hiện trường sạt lở đất ở thôn Nậm Tông, các lực lượng của huyện, xã và người dân tiếp tục tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích còn lại cũng như giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.


Giây phút chia tay đầy quyến luyến của các chiến sĩ với bà con sau 15 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ những khó khăn, mất mát (Ảnh: Công an tỉnh Lào Cai).

“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã không đưa được hết thân nhân của bà con lên”

Tại lễ chia tay, Thượng tá Trần Văn Dân – Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động nghẹn ngào cho biết, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô là lực lượng đầu tiên phối hợp với chính quyền và người dân huyện Bắc Hà tìm kiếm cứu nạn những người dân bị vùi lấp.


Thượng tá Trần Văn Dân xúc động chia sẻ trong buổi lễ chia tay (Ảnh cắt từ clip).

Thượng tá Dân nhớ lại những ngày đầu ở thôn Nậm Tông vô cùng khó khăn, khi không có chỗ ăn ở, nước bị ô nhiễm. Bà con nhân dân đã dựng lều bạt tạm ở cùng với cán bộ chiến sĩ.

“Ngày đầu tiên tiếp cận hiện trường, đường vào thôn Nậm Tông bị cô lập, xe máy cũng không đi được, 100 cán bộ, chiến sĩ phải đi bộ vào hiện trường. Đặc biệt, đường đi có chỗ sạt lở chỉ còn 0,8m, những lúc ấy tôi rất lo cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn khi người mất tích chưa tìm thấy được mà để mất an toàn nữa thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”, Thượng tá Dân nói.

Sau 15 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào nhưng đến nay vẫn còn 4 người trong đó có 3 người lớn và 1 trẻ em chưa được tìm thấy là điều Thượng tá Dân cùng lực lượng cứu hộ vô cùng trăn trở.

“Có những chỗ chúng tôi đã đào đi đào lại 2 lần, có những chỗ đào sâu 8 – 10m… Thay mặt lực lượng cứu hộ cứu nạn, chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã không đưa được hết thân nhân của bà con lên để về nơi an nghỉ cuối cùng”, Thượng tá Dân xúc động.

Sau lời phát biểu chia tay của Thượng tá Dân, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Tông Lù Seo Nương đã không cầm được nước mắt, khóc nghẹn khi nói lời cảm ơn lực lượng cứu hộ, cứu nạn và nói về những mất mát của quê hương Nậm Tông.

Cũng tại buổi chia tay, ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà đã cảm ơn những đóng góp của lực lượng vũ trang vượt qua các điều kiện khó khăn về thời tiết, địa hình tìm kiếm phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, lưu lại hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân tại đây. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, của tỉnh và những nỗ lực hết mình của các lực lượng vũ trang; kinh nghiệm, trách nhiệm và sự đồng lòng của nhân dân; sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó là cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm và cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, chia sẻ, động viên kịp thời để bà con sớm vượt qua những khó khăn, mất mát.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*