Ma trận chuồng cọp san sát ở Hà Nội: Những khung sắt nhốt người trong hỏa hoạn

Không chỉ khu tập thể cũ, nhà dân mà ngay cả nhiều chung cư mới ở Hà Nội cũng đua nhau cơi nới chuồng cọp kín mít, không lối thoát, tiềm ẩn mối nguy nếu có hỏa hoạn.


Video: Vô vàn chuồng cọp không có lối thoát hiểm mọc lên ở Hà Nội.


Hà Nội vốn chật chội và để sống trong “tấc vàng”, từ lâu nay, người dân ở những khu tập thể cũ luôn phải cơi nới thêm “chuồng cọp” – khung kim loại với các mối hàn kiên cố. Nhưng gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy, mà một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng là do không có lối thoát, vì thế chuồng cọp trở thành vấn nạn cần nhanh chóng dẹp bỏ.



Rất nhiều căn hộ chỉ có duy nhất một lối vào ở cửa chính, còn ban công lại bị quây kín bằng những lồng sắt. Những khu vực này cũng không có lối thoát phụ, thậm chí mọc san sát nhau, vô tình chặn chính lối thoát hiểm thứ 2 của gia đình trong trường hợp xảy ra sự cố, hỏa hoạn.


Tại một khu tập thể cũ trên đường Lương Định Của (quận Đống Đa), xuất hiện đầy rẫy lồng sắt. Hầu như nhà nào cũng có khu vực này và không có lối thoát phụ, cũng không thông sang nhau. Vì vậy, nếu có sự cố xảy ra thì người dân sẽ không thể thoát qua đường ban công hay cửa sổ.


Việc cứu hộ, cứu nạn cũng khó khăn hơn nếu phải tiếp cận hàng loạt chuồng cọp chứa rất nhiều đồ đạc, chật chội và kiên cố như thế này.


Lối ra vào và cũng là lối thoát hiểm duy nhất của những khu nhà tập thể cũ. Lẽ ra, trong điều kiện này, người dân phải tự tạo thêm lối thoát cho mình như mở cửa sổ, dựng ban công. Nhưng không, nhiều người lại chọn phương án cơi nới và xây kín, để có thêm diện tích sinh hoạt hoặc chống trộm.


Mỗi tầng tại khu tập thể này tuy được trang bị 2 – 3 bình chữa cháy nhưng thế vẫn là chưa đủ nếu có hỏa hoạn, bởi những căn hộ san sát, không gian chật chội và lượng người đông đúc.


Anh Hoàng Minh Đức (quận Đống Đa) sống trong khu tập thể B11 Kim Liên nói: “Nhà tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác đã làm chuồng cọp để vừa có thêm diện tích, vừa phòng chống kẻ gian vào nhà. Nhưng sau nhiều vụ hỏa hoạn kinh hoàng, tôi đã tháo gỡ một phần để làm lối thoát hiểm phụ. Tuy nhiên, số chuồng cọp kiên cố ở đây vẫn rất nhiều, hầu hết gia chủ vẫn có tư duy sợ trộm hơn sợ cháy. Chúng tôi sống gần cũng nơm nớp lo sợ”.


“Thời gian gần đây, khi nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, chính quyền địa phương đã tuyên truyền nên nhiều gia đình cũng làm thêm lối thoát phụ tại chuồng cọp và tự trang bị bình chữa cháy. Nhưng mối lo vẫn rất lớn vì còn rất nhiều người không chịu sửa chữa chuồng cọp hoặc trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Tôi mong chính quyền kiểm tra thường xuyên, mạnh tay hơn để bắt buộc người dân phải dỡ bỏ hoặc chỉnh sửa lại cho an toàn hơn”, bà Hoa – một người dân sinh sống ở khu tập thể Kim Liên bày tỏ.


Cách đó không xa, khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) cũng mọc lên chi chít chuồng cọp.


Một khu tập thể cũ trên đường Giải Phóng (quận Đống Đa) bị quây kín.


Không chỉ những khu tập thể cũ chật chội mà hiện không ít chung cư mới xây cũng xuất hiện tình trạng cơi nới nhưng không trang bị lối thoát phụ. Tại khu đô thị Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai), những khung sắt mọc lên san sát.


Việc thi công chuồng cọp hay cửa sổ khung sắt vững chãi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Họ chỉ tính đến phương án thêm diện tích, phòng chống trộm mà không lo sợ hỏa hoạn hay sự cố xảy ra nhưng không có lối thoát, dù đã có nhiều bài học thương tâm xảy ra trước đó.



Những trụ nước cứu hoả và bình chữa cháy…


…hệ thống cảnh báo cháy, chuông báo cháy, đèn thoát hiểm tuy được trang bị nhưng e là sẽ không đủ nếu những trận hỏa hoạn lớn bùng lên.


Ngoài chung cư, khu tập thể thì nhiều ngôi nhà mặt đất vốn sẽ rất thông thoáng nhờ ban công nhưng nay cũng tự quây kín trong những lồng sắt.


Sau nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra và gần đây nhất là vụ cháy ở Định Công Hạ, bà Nguyễn Kim Ánh (quận Tây Hồ) càng thấy quyết định lắp thêm lối thoát hiểm phụ cho chuồng cọp của mình là đúng đắn. “Mặc dù có thể e ngại kẻ gian đột nhập, nhưng mối nguy đó chắc chắn không đáng sợ, thương tâm bằng hỏa hoạn. Vì thế, tôi phải tìm cách bảo vệ gia đình mình và hàng xóm. Gia đình tôi sẽ tìm cách khác để đề phòng trộm, nhưng không thể chần chừ việc sửa chữa chuồng cọp cho được”, bà nói.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*