Dựng chiếc xe máy giữa sân, chị Vóc bước vào nhà, thả người tự do rơi xuống giường. Khi chồng cất tiếng hỏi “Em mệt à”, chị òa khóc: “Chắc em không làm công việc này được nữa”.
Bị bệnh nhân nhổ nước bọt vào mặt, mắng chửi
Chị Phạm Thị Vóc đã làm công việc điều dưỡng được 2 năm tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (cơ sở 2), khi nhớ về những ngày đầu đi làm công việc chăm sóc các cụ, chị vẫn không cầm nổi nước mắt.
Từ khi đi học chị đã biết theo công việc điều dưỡng sẽ rất vất vả, chị cũng đã từng làm điều dưỡng ở bệnh viện. Thế nhưng, khi chăm sóc cho các cụ, chị vẫn không tránh khỏi bị “sốc”.
Ngay trong 2-3 ngày đầu đi làm, chị Vóc đã muốn xin nghỉ làm. Chị không tưởng tượng ra việc chăm sóc cho các cụ cao tuổi lại khó tới vậy.
“Chăm các cụ còn khó hơn cả chăm trẻ con vì vừa phải nịnh, rồi phải dỗ dành để cụ ăn, phải hiểu tâm tính, giờ giấc của từng cụ để cư xử khiến cụ không mất lòng”, chị Vóc chia sẻ.
Chị Phạm Thị Vóc chia sẻ câu chuyện làm nghề điều dưỡng. (Ảnh N.M)
Cố gắng chiều theo ý các cụ hết mức nhưng chị Vóc vẫn không tránh khỏi việc thỉnh thoảng bị các cụ “chống đối”. Chị Vóc còn nhớ lần đó tầng chị có một cụ bà hơn 90 tuổi (giờ cụ đã mất) không thích tắm. Mỗi lần điều dưỡng đưa cụ đi tắm là sẽ như một cuộc “chiến tranh”.
“Hôm đó, tôi vào nịnh nói: ‘Mẹ ơi, con đưa mẹ đi tắm’ thì cụ bám chặt 2 tay, 2 chân vào thành giường. Tôi gỡ được tay, cụ lại ghìm chặt 2 chân, khi gỡ được tay chân thì cụ cào, cấu mặt, giật tóc tôi. Lúc tôi nắm tay cụ không cho cào mặt thì cụ nhổ nước bọt liên tục vào mặt… Ngày hôm đó, tôi đã rất “hãi”. Tôi về tới nhà, khi chồng hỏi chuyện, tôi đã khóc nức nở, nói không thể làm tiếp được”, chị Vóc tâm sự.
Sau một đêm ngủ dậy, chị Vóc đã nghĩ thông chị không thể bỏ cuộc dễ dàng vậy được. Chị hiểu ra vì cụ lú lẫn, không biết gì nên mới hành xử như vậy. Sau lần đó, thay vì tìm mọi cách bế cụ đi tắm, chị Vóc điềm tĩnh nói chuyện nịnh: “Mẹ đi với con, con chỉ rửa chân cho mẹ thôi. Khi rửa được cái chân rồi tôi thấy quần mẹ ướt lại xin mẹ cho rửa lên phần đùi”.
Mỗi ngày cứ rửa từ chân lên, dần dần khi cụ đã quen với nước, chị Vóc mới tiến hành tắm, gội đầu cho cụ. “Khi đã quen nước rồi cụ lại rất thích tắm, gội… thậm chí còn không muốn ngừng”, chị Vóc nói.
Rợn người vì “cái chết” đến quá nhanh
Khi chị Vóc quen với công việc, chị lại thấy yêu mến, thương các cụ như người thân của mình. Để rồi khi các cụ ra đi quá đột ngột, chị lại băn khoăn hỏi bản thân “Mình có sai ở đâu không?”.
Khi nhớ về khoảnh khắc sinh tử của một cụ ông trước đó vẫn nói chuyện với chị nhưng 1 phút sau chị quay lại thì cụ đã mất, chị vẫn còn rợn người.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự sống và cái chết lại có thể mong manh đến như vậy. Trong lòng tôi có nhiều sự lăn tăn, tự hỏi mình có sai ở đâu không mà cụ lại mất.
Khi cụ mất, tôi đã chạy xuống phòng lãnh đạo khóc. Lúc đó, mọi người cũng động viện cụ ông cũng rất yếu, gia đình cũng xác định cụ sẽ mất bất cứ lúc nào”, chị Vóc chia sẻ.
Nhờ có sự thông cảm thấu hiểu của gia đình các cụ mà chị Vóc lại có thêm động lực làm việc. Vì khi chăm sóc, có rất nhiều cụ lẫn vô tình va phải bàn nhưng lại nói với các con là bị điều dưỡng đánh. Tuy nhiên, gia đình cũng thấu hiểu vì ở nhà cụ cũng hay lẫn lộn như vậy.
Chị Phạm Thị Vóc thân thiết với cụ bà (Ảnh N.M)
Điều dưỡng được bệnh nhân gọi là “cô tiên”
Trong quá trình chăm sóc các cụ, chị Vóc cũng nhận được nhiều tình cảm yêu mến. Nhiều cụ tại Trung tâm nhận chị là con, xưng mẹ hoặc u. Có những cụ còn không bao giờ gọi tên “Vóc ơi” mà chỉ gọi chị là “cô tiên”.
Chị Vóc nhớ đó là trường hợp của cụ ông 97 tuổi, cụ lúc nhớ lúc quên. Cụ có thể không nhận ra con cái của mình nhưng lúc nào cũng nhận ra chị Vóc. Cụ gọi chị là cô tiên và lúc cụ mấtcũng muốn được gặp cô tiên (chị Vóc) lần cuối.
“Những điều nhỏ đó khiến cho tôi rất xúc động, yêu thương các cụ hơn”, chị Vóc tâm sự.
Theo chị Vóc, có những cụ sống ở viện tới ngày Tết cũng không muốn về nhà. “Mẹ không muốn về đâu, về nhà không biết chúng nó có biết tắm cho mẹ như con tắm không”. Cụ về ăn Tết được 3 ngày, khi vào viện lại thì đã ôm lấy tôi nói: “Mẹ nhớ Vóc nhiều lắm”.
Chăm sóc cho các cụ, chị Vóc cũng học hỏi được rất nhiều sự kiên nhẫn, biết kiềm chế bản thân. Nhìn thấy các cụ vui tươi, sống khỏe mỗi ngày chính là niềm động viên lớn lao nhất đối với chị và đồng nghiệp.
Chị Vóc cũng tiết lộ, áp lực lớn nhất đối với chị khi chăm sóc là các cụ không ăn. Có những đêm chị thao thức để nghĩ cách dỗ dành các cụ sao cho hôm sau các cụ có thể ăn thêm một chút.
“Các cụ ăn được mới khỏe, bỏ ăn các cụ sẽ yếu”, chị Vóc chia sẻ.
Để lại một phản hồi