Nhà 2-3m² giữa TPHCM: Vợ chồng thay ca, người nằm ở nhà, người ngủ ngoài đường

Được mệnh danh là “quận nhà giàu” ở TPHCM, nhưng quận 1 còn tồn tại những căn nhà tí hon. Người trong gia đình có lúc phải chia ca để ngủ, đi vệ sinh ké.

Những người dân phải chia ca để ngủ

Khu dân cư Cầu Ông Lãnh (hay còn gọi là khu chợ Gà – chợ Gạo ngày trước) thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền. Tuy nhiên, nằm sâu trong các con hẻm chật hẹp nơi đây, có những ngôi nhà với diện tích nhỏ bé đến bất ngờ, chỉ từ 2,5-5m².


Hẻm nhỏ chỉ đủ 2 người tránh nhau. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngồi cắm hoa trước cửa căn nhà bé xíu, chị Lê Kim Dung (44 tuổi) cho biết thường ngày, chị không mấy khi ở nhà bởi không gian sinh hoạt quá chật chội.

Gia đình chị Dung thuê căn nhà có diện tích chưa đầy 4m² này từ nhiều năm trước. Dẫu nhỏ, nhưng đây là nơi sinh sống của 4-5 con người.

Chị Dung chia nhà làm 3 phần. Trong ngày, mọi người sinh hoạt ở dưới, ngủ ở 2 gác phía trên. Mỗi căn gác cũng chỉ đặt vừa tấm nệm chứ không thể bài trí gì thêm.

Chị bán đồ ăn trên đường Nguyễn Thái Học nên thường ở ngoài đường, chừa không gian trong nhà để con và cháu nội sinh hoạt. Đến tối, chị mới về nghỉ ngơi.


Chị Dung cho biết khu dân cư Cầu Ông Lãnh từng có tình trạng người dân chia ca để ngủ. Ảnh: Hà Nguyễn
“Cách đây nhiều năm, khu vực này chưa được xây dựng sạch sẽ, gọn gàng như bây giờ. Nhà cửa chật hẹp lại đông người nên nhiều gia đình phải chia ca để ngủ.

Tức là đêm xuống, một số người sẽ ngủ trong nhà, số còn lại phải đem ghế bố ra ngoài đường ngủ tạm. Lúc đó, hầu như nhà nào cũng có một vài cái ghế bố để chia nhau ngủ như thế.

Khi tụi trẻ con lớn dần, có vợ có chồng nên ra ngoài thuê nhà ở riêng. Từ đó, tình trạng chen chúc, ngủ chia ca mới bớt dần” – chị Dung chia sẻ.

Trong ngôi nhà rộng chừng 5m² cách đó không xa, bà Trần Thị Lệ (63 tuổi) tâm sự, 7 người trong gia đình mình từng trải qua cảnh ngủ theo ca như chị Dung nói.

“Lúc còn khỏe, tôi chồng thêm 2 căn gác phía trên để có thêm chỗ mà ở. Tuy vậy, mỗi ngày, mọi người vẫn phải chịu cảnh xoay hông đụng tường, nằm duỗi chân đụng cửa” – bà kể.

Để san sẻ không gian sống, những người ngủ trong nhà sáng phải dậy sớm rồi đi làm, thậm chí ngồi ngoài đường để người khác vào ngủ đến trưa. Tới trưa, những người này dậy, rời nhà để ai thức sớm về nghỉ ngơi. Những ai làm ca tối thì buổi chiều được ngủ trong nhà cho đến lúc đi.


Gia đình bà Lệ từng trải qua cảnh luân phiên ngủ vì nhà quá chật. Ảnh: Hà Nguyễn
Hiện tại, nhà bà Lệ chỉ còn 4 thành viên sống tại đây, chủ yếu là người già. Dù sức khỏe yếu nhưng họ vẫn giữ nếp sinh hoạt như trước. Bà có bệnh, khó di chuyển nên được “đặc cách” ăn, ngủ, nấu cơm để bán tại “tầng trệt”. Trong khi đó, những người đàn ông sau khi thức dậy phải rời khỏi nhà, ra ngoài đường cho đỡ chật chội…

Giặt giũ, đi vệ sinh phải ké hàng xóm

Ở quận 1, tình trạng người dân phải sinh sống trong những ngôi nhà tí hon còn xuất hiện tại khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh), khu Mã Lộ (phường Tân Định).

Không ít căn nhà nằm sâu trong con hẻm 245 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh) chỉ có diện tích từ 2-3m². Một trong số này là nhà của ông Nguyễn Phú (63 tuổi). Quá chật chội, vợ chồng ông thường “thay ca” nhau ở nhà.


Ông Phú chọn cách ra ngoài đường, công viên ngủ mỗi khi vợ, con ở nhà. Ảnh: Hà Nguyễn
Chạy xe ôm mưu sinh, ông Phú chỉ có mặt ở nhà khi vợ đi làm. Nếu vợ được nghỉ, ông sẽ ra đường, thậm chí ngủ qua đêm ở công viên.

“Bất tiện, chật chội đã đành, nhưng tôi sợ nhất là nhà nóng không khác gì lò hơi dù đêm hay ngày, mưa hay nắng.

Nếu vợ và con gái ở nhà, tôi phải ra ngoài đường ngồi, thậm chí ngủ qua đêm vì quá chật và nóng” – ông chia sẻ.

Nhà bà Đinh Ngọc Quyên (53 tuổi) ở trong cùng con hẻm này có chiều dài cũng chỉ 5m, rộng 1,3m. Vợ chồng bà làm thêm gác để có chỗ nghỉ ngơi. Còn phía dưới, ông bà dành toàn bộ không gian chứa vật dụng gia đình và phòng vệ sinh – chỉ đủ 1 người ra vào.

Không gian ở đây chật chội, bí bách đến nỗi ông bà thường lùa mấy chú chó lên trên gác ngủ cùng với chủ.

Khu Mã Lộ, bên hông chợ Tân Định, cũng có tình trạng người dân phải sinh sống trong những căn nhà hộp diêm.

Tại một khu nhà chung (số 28D, đường Mã Lộ, phường Tân Định) chỉ rộng chừng hơn 15m², hiện có 3 hộ với 3 thế hệ sống cùng nhau, với gần 20 người.

Trong đó, gia đình bà Trần Thị Quýt (76 tuổi) có đến 6 thành viên chung sống trong căn phòng khoảng 6-7m². Dù đã làm gác lửng nhưng chừng ấy diện tích vẫn không giúp chỗ ăn ngủ bớt chật chội.


6 người nhà bà Quýt sống chung trong căn phòng nhỏ chỉ 6-7m². Ảnh: Hồ Văn
Do đó, bà Quýt tận dụng khoảng trống của con hẻm trước cửa nhà làm chỗ nấu ăn. Điều khổ nhất với bà là cả gia đình phải giặt giũ và đi nhờ vệ sinh với hộ bên cạnh.

“Chỗ ăn, chỗ ngủ chật chội, bất tiện trăm bề nhưng chúng tôi đành chịu vì không có tiền để sửa chữa. Mà dù có tiền, chúng tôi cũng không thể cơi nới hay xây thêm vào đâu” – một thành viên gia đình bà Quýt cho hay.

2 gia đình khác sống tại đây nhọc nhằn không kém. Vì quá chật, họ cũng tận dụng khoảng hẻm nhỏ trước cửa phòng để đặt bếp nấu ăn, làm chỗ giặt giũ…

Bài sau: Sống ở nhà chia ca để ngủ giữa trung tâm TPHCM, năm nào cũng phải làm đám giỗ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*