Vụ nam sinh viên để lại đôi dép và lá thư tuyệt mệnh ở cạnh hồ: Để dọa người yêu

Cơ quan chức năng đã làm rõ lý do nam thanh niên để lại bức thư và đôi dép bỏ lại hồ Tân Xã, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Chiều 6/7, liên quan vụ “Phát hiện đôi dép và lá thư của nam thanh niên gửi lại một cô gái ở cạnh hồ” ở Hà Nội, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết, cơ quan chức năng đã làm rõ mục đích và danh tính nam thanh niên tạo hiện trường giả.


Đôi dép và lá thư tại hiện trường

Theo đó, ngày 5/7, mạng xã hội xôn xao hình ảnh đôi dép và một lá thư có nội dung với lời nhắn nhủ của một nam thanh niên cho cô gái, được đặt ngay ngắn cạnh bờ hồ Tân Xã (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ đây chỉ là tình huống dàn dựng. Ngay trong tối hôm qua, công an đã mời nam sinh viên này lên làm việc.

Lãnh đạo xã Tân Xã cho biết, bước đầu cơ quan chức năng xác định, bức thư và đôi dép bỏ lại hồ Tân Xã là của nam sinh viên đang học Trường Đại học Lâm nghiệp quê ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Do buồn chuyện tình cảm, nam sinh này đã làm vậy để dọa người yêu.

“Ngay trong tối hôm qua, nam sinh này đã lên làm việc với Công an và thừa nhận tạo hiện trường với dép và thư để dọa người yêu do cả hai đang mâu thuẫn tình cảm. Ngoài ra, Công an đã mời cả bố mẹ nam sinh để nhắc nhở vì hành vi của sinh viên này đã làm ảnh hưởng đến địa phương khi cả Công an cũng phải vào cuộc xác minh, tìm kiếm vì hiện trường để lại nghi có người nhảy hồ, nam sinh này đã thừa nhận hành vi”, vị lãnh đạo xã Tân Xã cho biết thêm.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và sẽ có hình thức xử lý đối với hành vi của nam sinh.


Cơ quan chức năng đã làm rõ người tạo hiện trường giả

Tạo hiện trưởng giả bị xử lý thế nào?

Một vụ việc tạo hiện trường giả mới diễn ra vào hồi tháng 3/2024. Một người mẹ (sinh năm 1990) để lại thư tuyệt mệnh, xe máy cùng một số vật dụng cá nhân bên cầu Đông Trù (phạm vi thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) để tự tử.

Đáng nói, tại hiện trường còn có những đôi dép của trẻ nhỏ, trong khi chị này có 3 con nhỏ tuổi càng khiến dư luận quan tâm.

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) đánh giá, rõ ràng, mỗi sự việc dàn dựng trước khi được làm sáng tỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người thân trong gia đình, sau đó gây ảnh hưởng đến nhiều người tham gia tìm kiếm. Việc triển khai tìm kiếm gây tốn kiếm về nhân lực, vật lực.

Do đó, pháp luật có quy định về xử lý trường hợp tung tin giả. Theo đó, trường hợp, người nào cố tình báo tin giả về sự cố, tai nạn cho lực lượng chức năng thì có thể bị xử lý về hành vi “Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả” theo Điểm b Khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ, mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Trường hợp người đó không phải là người báo tin giả về sự cố, tai nạn nhưng có hành vi dựng hiện trường giả về sự cố, tai nạn (không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản) gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu đường thì có thể bị xử phạt về hành vi “Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác” theo Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Mức phạt với hành vi trên là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

“Do đó, khi gặp những bất đồng với thành viên trong gia đình, mỗi người cần bình tĩnh để tìm ra những cách giải quyết để tránh ảnh hưởng đến người thân, công đồng, vô tình dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả thương tâm”, luật sư Tín khuyến cáo.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*